27/11/11

Bạn tôi

Ngày đó, vì trường học cũng tương đối gần nhà nên sau mỗi buổi học khi cả đám sinh viên đổ dồn ra bãi giữ xe thì mình cố lách qua đám đông để chui ra được cái cổng, rồi men theo các con hẽm để thả bộ về nhà. Bạn quê ở Tiền Giang lên thành phố học, không có người quen bạn phải đăng ký ở ký túc xá. Dù có xe máy nhưng hàng ngày bạn cũng đi bộ đến trường. Thế là sau giờ tan học, cả hai cùng chung đường về. Mình và bạn cũng biết nhau từ đó, rồi thân nhau tự bao giờ không biết. Bạn là con lớn trong nhà, sau là 3 cô em gái. Ba bạn là con trai duy nhất nên bà nội bạn mong muốn có cháu trai đích tôn, nên bà cứ nói xa nói gần, khó dễ với mẹ bạn. Đến khi gần cuối năm thứ 2 đại học, bạn mới ngoắc mình lại nói nhỏ rằng mẹ bạn vừa sinh em trai, bạn mắc cỡ vì bạn lớn rồi mà mẹ còn có em bé và dặn đừng báo cho các bạn khác biết. Mình cũng khuyên bạn cứ bình thường, chuyện đó cũng đâu có gì mà bạn phải ngại. Là đứa con đầu tiên lên thành phố học, nên ba mẹ bạn rất lo lắng cho thân con gái. Nhất là hôm đi thi đại học, hai cha con bạn thuê 1 phòng khách sạn gần điểm thi. Tối đó, ba bạn có việc phải ra ngoài nhưng sợ để 1 mình bạn trong khách sạn nhỡ có chuyện gì, thế là ba bạn dặn: "khi nào Cha gõ 3 tiếng, T. ơi mở cửa cho Cha, thì con mới được mở nhen". Mình nghe bạn kể đến đó, liên tưởng ngay đến chuyện "Dê con vâng lời mẹ", cảm thấy thương bạn lắm, mà bạn cũng rất giống con Dê đó vậy, hiền lành và nhút nhát. Bạn hiền là thế, mà Cha mẹ bạn còn hiền hơn bạn nữa, chẳng bao giờ la mắng con cái, vậy mà 5 chị em đứa nào cũng ngoan. Mỗi cuối tháng, ba bạn lại khăn gói lên thành phố thăm con rồi sẳn tiện có chút công việc riêng. Mỗi bận lên thăm là mang xe bạn ra kiểm tra thắng, xăng, nhớt... Hôm đó, bạn chạy thế nào mà đứt dây counter met. Ba bạn thay xong chẳng nói gì. Tháng sau, chẳng may cái dây đứt nữa, Cha bạn lại thay nữa nhưng chỉ nói mỗi 1 câu "Hôm rồi Cha thay dây của Thailand mà con chạy cũng đứt nữa hả???", vậy là từ đó về sau cái đây có lỡ đứt là bạn lật đật đi thay trước khi chờ đến cuối tháng... Thỉnh thoảng bạn về quê thăm nhà, bạn thường hay rủ bọn tôi đi cùng. Lần nào cũng vậy, vừa về đến nhà là Cha bạn đón tiếp bọn tôi chu đáo, dắt bọn tôi đi ăn rồi đưa bọn tôi đi chơi ở những vườn trái cây. Khi thì đi vườn Vú Sữa, lúc thì ghé vườn Ổi, có khi dẫn bọn tôi tham quan Cồn Dừa tận Bến Tre. Nói chung, ba bạn cưng chiều con gái, cưng luôn đám bạn của con, chính vì vậy bọn tôi rất thích đến chơi nhà bạn. Những năm tiếp theo sau, các cô em gái cũng lần lượt lên thành phố học, ra trường rồi ở lại thành phố làm việc, rồi lập gia đình. Chỉ có 1 cô em kế thì về lại Tiền Giang làm việc để gần gũi Cha mẹ bạn. Giờ bạn cũng có gia đình, có con cái. Bọn tôi ít gặp mặt do ai cũng có những bận rộn riêng, nhưng bọn tôi lại thường gọi điện hỏi thăm con cái, gia đình và cuộc sống của nhau.

21/11/11

Thằng nhóc

Mới ngày nào thằng nhóc còn mè nheo mẹ, đi đâu cũng đòi đi cùng mẹ. Là một trong những đứa con trai rất nghịch nhưng đôi khi rất dễ thương. Ngày còn nhỏ, buổi tối trước khi ngủ thằng nhóc rất khoái sờ ti mẹ, riếc thành thói quen nên hôm nọ người khác bế trên tay, thằng nhóc cũng rất tự nhiên đưa tay chạm vào theo phản xạ. Thấy phản ứng của ngưới khác, thằng nhóc mắc cở bẽn lẽn: "Mẹ con cũng có..." làm cho ai cũng mắc cười. Vậy mà, thoáng 1 cái giờ thằng nhóc đã thành chàng thanh niên "đóng vai" chú rễ đẹp trai sánh bước cùng cô dâu bước lên khán đài chào quan viên hai họ. Nhưng giờ thỉnh thoảng nhắc lại "Mẹ con cũng có" là thằng nhỏ lại bẽn lẽn cười...
Vì họ nhà gái ở xa, đám cưới thằng nhóc phải kéo ra nhiều ngày. Một ngày ở nhà đàn gái, họ tổ chức Lễ cưới ở nhà thờ, đãi họ hàng bà con bên phía cô dâu. Ngày thứ 2 đàn trai đến làm Lễ rước dâu rồi rước ra thẳng nhà hàng để tiếp đón khách mời của bên nhà gái. Ngày thứ 3, mất 1 ngày đường di chuyển đến nhà đàn trai, họ nhà gái nghỉ đêm tại khách sạn gần đó. Sáng ngày kế tiếp đàn trai đến đón nhà gái về làm Lễ tại nhà, rồi hai họ lại cùng nhau làm buổi tiệc ra mắt khách mời họ nhà trai. Mệt nhưng cũng rất vui, cũng là dịp để gặp gỡ lại bà con họ hàng. Giờ rằng thằng nhóc đủ lớn, có gia đình. Chúc thằng nhóc tự tin chèo chống gia đình nhỏ của riêng mình đến bến bờ Hạnh phúc. Cố lên nhen thằng nhóc.

12/11/11

Về quê Ngoại

Năm đó, cuối năm lớp 6 trường tôi tổ chức cho nhóm sinh hoạt Đội đi nghỉ mát ở Nha Trang. Thực ra cũng không hẳn là trường đứng ra lo chi phí mà các Thầy cô phụ trách Đội đã thành lập một đội diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" đi diễn ở các Xã lân cận vào các ngày hè. Sau các đợt diễn, chi phí gần đủ cho một chuyến đi còn lại là Huyện đoàn ủng hộ thêm. Sau chuyến tham quan 4 ngày ở Nha Trang, ngày cuối cùng khi mọi người thu xếp về thì tôi tách đoàn và đi tiếp cùng dì Út và một người em họ về quê Ngoại. Ngày đó, quê Ngoại nghèo lắm, nghèo thiệt là nghèo. Nghèo đến nỗi chỉ có một con đường heo hút dẫn vào làng, thỉnh thoảng có vài căn nhà tranh vách đất được dựng lên. Điện đóm thì không có, xã không có chi phí dựng cột và kéo dây. Mà có điện đi nữa thì lấy đâu ra tiền mà trả... nên quanh năm chỉ có ngọn đèn dầu loe loét. Trước mỗi nhà thì có lát đát vài ba cây dừa, khi thì bụi tre. Kế đến bên trong khoảng sân là những luống rau, rồi cái giếng nước. Sau nhà là chuồng nuôi gà, nuôi heo và vài ba con bò để dành cày ruộng. Nói chung cuộc sống khép kín, chủ yếu là tự cung tự cấp. Vì bà Ngoại quen sống với ruộng vườn nên Ngoại chưa muốn rời bỏ mảnh đất này để vào ĐD ở với con cháu, ông Ngoại vì bị bệnh nên vào trước để Cậu mợ chăm sóc. Một mình bà Ngoại lủi thủi với ruộng vườn, nên Ngoại có nhận một đứa nhỏ hàng xóm về nuôi cho vui. Hôm ấy, bọn tôi kéo về bất ngờ (vì thời đó làm gì có điện thoại mà báo trước) nên Ngoại vui lắm. Lúc đó gần 8g tối mới tìm được nhà vì trời tối lắm nên chẳng biết đường đi. Vào nhà hỏi thăm Ngoại được vài câu, Ngoại hối bọn tôi đi tắm nhanh rồi vô ăn cơm, còn Ngoại chạy ra sau nhà quơ 1 phát túm ngay được con gà, bắt nước sôi và làm ngay 1 nồi gà kho gừng cho bọn tôi ăn tối. Nói là đi tắm cho bài bản, chứ thật ra là mò mẫm đường ra giếng rồi thả gầu xuống kéo nước lên xối, sau đó vào nhà thay đồ. Lúc đó hai ba đứa đi tắm chung chứ 1 mình chắc để vậy đi ngủ luôn quá!!! vì xung quanh, nguyên một dàn đồng ca ếch, nhái, ểnh ương vừa la vừa hét nghe mà rợn cả sống lưng... Sáng ra, bọn tôi còn say sưa ngủ thì Ngoại và dì Út đã ra ruộng. Bọn tôi ngủ dậy thì tự tất tần tật, tự bới cơm Ngoại đã nấu sẳn trên bếp để ăn, tự dọn dẹp nhà cửa, tự chơi với nhau, rồi cũng tự lân la nhà hàng xóm chơi với lũ trẻ cùng lứa. Không mất nhiều thời gian, bọn tôi nhanh chóng "hội nhập". Hai chị em tôi năn nỉ thằng nhóc mà Ngoại tôi nhận nuôi cho bọn tôi "được" đi chăn bò. Nghe thì ghê gớm lắm, nhưng thật ra là dắt bò ra bãi cỏ, tìm một góc cây to rồi cột bò lại. Chuyện ai người đó làm, bò thì tập trung chuyên môn: gặm cỏ, bọn tôi thì bắt đầu lao vào các bụi cây tìm trái cây lạ mà ăn, lạ đối với bọn tôi nhưng là "đặc sản" của trẻ con xứ này. Trái đó gọi là Chim Chim và Dú Dẻ.
Đây là Chim Chim trái chín màu đỏ, hình dạng giống trái me (ảnh sưu tầm)
Còn đây là Dú Dẻ thì trái vàng ươm và thơm lừng, nơi nào có Dú Dẻ chín là bọn tôi phát hiện ra ngay, thơm nguyên cả một bụi cây... (sưu tầm luôn) Sau khi hái không còn trái gì để ăn, bọn tôi lại kéo nhau ra đường ray xe lửa ngồi chơi, mặc cho trời nắng rát cháy da cháy thịt, bọn tôi cũng vô tư chơi mà không hề nghĩ đến bệnh cảm vặt hay những "tai nạn tàu hỏa" mà cứ chơi rượt đuổi nhau trên đường ray, khi nào xe lửa chạy đến thì tấp vào, xe lửa qua thì lại tiếp tục...(ghê thiệt luôn, giờ nghĩ lại còn thấy sợ!!!). Chán chê, lúc đó trời cũng xế chiều cả bọn lại ra dắt bò về, chứ nếu không trời tối thì bò sẽ đi lạc. Đứa nào về nhà đứa đó, phụ nhau nấu cơm để người lớn đi ruộng về ăn. Bọn tôi cũng nhóm củi, vo gạo, hái rau làm cơm canh đủ cả. Bà Ngoại và dì Út về không hề biết bọn tôi đã lăn xả như thế nào. Hôm nào không đi theo đám bạn chăn bò, bọn tôi lại ở nhà rang đậu phộng, lấy đường nấu cho tan ra đến độ rồi dùng bánh tráng trải một lớp mỏng lên cái nia tròn mà Ngoại vẫn dùng sàn gạo, sau đó bỏ đậu phộng vào trộn chung với đường rồi đổ đều lên bánh tráng thành một lớp dày độ nửa đốt tay, trãi đều ra rắc thêm một ít mè rang và ngồi chờ cho nguội. Khi nguội, lớp hỗn hộp đó cứng lại bám chặt vào lớp bánh tráng. Bọn tôi bắt đầu cắt thành từng miếng nhỏ, để dành ăn dần. Gọi là món kẹo đậu phộng. (Món này bọn tôi học lóm từ đám trẻ con) Tối đến, sau khi cơm nước xong bọn con nít trong xóm lại thường tâp trung lại nhà Ngoại chơi, vì nhà Ngoại có cái sân phơi lúa rất to, tha hồ mà chạy nhảy. Đêm đó, cũng không ngoại lệ bọn tôi cũng ngồi ca hát, kể chuyện râm rang thì chợt nhận ra sao hôm nay sáng sủa hơn mọi khi. Nhìn ngược phía bụi tre đầu cổng, một ông trăng tròn vành vạnh in rõ trên nền trời trong veo, thấy rõ như trăng đang bò trên ngọn tre vậy, vài cành tre đong đưa qua lại. Lúc này tôi như "đứng hình" bởi chưa bao giờ tôi cảm nhận được trăng đẹp đến thế, một khung cảnh rất thanh bình mà hồi nào giờ tôi chỉ được xem qua tranh là cảnh vài đứa con nít tung tăng chạy nhảy, bên cạnh là lũy tre rồi cao cao phía trên là cái hình tròn được gọi là "trăng". Tất cả đều rất vô hồn. Nhưng đêm đó, tôi mới thực sự cảm nhận được ánh trăng. Bỏ mặc mấy đứa kia, tôi quay hẳn người lại ngồi ngắm trăng tiếp tục bò lên cao, từ từ vượt khỏi bụi tre, từ từ đi lên phía đỉnh đầu... cũng từ lúc đó, tôi bắt đầu thích "ngắm trăng" và hình ảnh đó theo tôi suốt bao năm tháng, cứ mỗi khi thấy trăng tròn... tôi lại nhớ như in về khung cảnh hôm đó, và tôi nhớ về quê Ngoại.

7/11/11

Muộn màng...

(ảnh sưu tầm) Tốt nghiệp một trường đại học có tên tuổi, vừa ra trường chị lại xin vào một công ty nước ngoài tầm cỡ. Đó là ước mơ của bao nhiêu cô gái trẻ.Trong công việc chị luôn phấn đấu nên được cấp trên đặt nhiều kỳ vọng. Trong một dự án ra mắt sản phẩm mới, chị được sếp phân công làm chung nhóm với một anh chuyên gia người Nhật. Anh là một trong những chuyên gia giỏi về marketing sang Việt nam phụ trách dự án mới. Thời gian đến Việt nam chưa được bao lâu, ấy mà khi gặp chị, anh cảm thấy nơi đây sao quá gần gũi và thân thiện, và trong anh ý định ở lại nơi đây cũng bắt đầu từ chị. Chị là một cô gái có khuôn mặt rất ưa nhìn, làn da trắng mịn màn. Hàng mi cong được quét nhẹ lớp masscara làm điểm nhấn cho đôi mắt trong veo của chị. Chị không trang điểm nhiều, chỉ nhấn nhẹ một tí ở mắt và thoa mỏng lớp son môi. Điểm thu hút nhất trên gương mặt chị chính là chiếc răng khểnh ẩn hiện sau mỗi nụ cười, làm cho người nhìn có cảm giác rất dễ gần. Sau 3 tháng hoàn thành dự án, cũng là lúc anh chị có tình cảm với nhau. Ngày anh ngỏ lời yêu chị, chị đưa ra điều kiện anh phải biết đi xe máy và phải biết nói tiếng Việt. Anh nói với chị hãy cho anh thời gian. Và dự án ra mắt sản phẩm mới cũng đã kết thúc, kết quả mang lại cho công ty được nhiều khách hàng, doanh thu cao. Thế là anh lại được giao tiếp dự án mới. Lần này thì chị không tham gia được nữa do chị tìm được một cơ hội mới ở một tập đoàn lớn, lương cao hơn. Và mỗi cuối tuần họ vẫn qua lại với nhau. Tình cờ, trong lần gặp lại nhóm bạn làm công ty cũ. Qua họ, chị biết hàng ngày sau giờ làm việc anh thường đi cùng một cô gái trẻ trung, cũng tầm tuổi chị. Thế là trong đầu chị bắt đầu có những câu hỏi tại sao và tại sao, vì mỗi khi họ gặp nhau anh vẫn vui vẻ, quan tâm chăm sóc chị từng li từng tí. Anh luôn biết chị muốn gì và âm thầm chìu theo từng sở thích của chị, dù anh không nói ra. Chị bắt đầu lên kế hoạch bí mật theo dõi anh. Chị cảm thấy choáng váng khi đúng giờ tan tầm, một cô gái dễ thương, nhí nhảnh chạy chiếc Future màu xanh, khi thấy anh cô ta vui vẻ cười nói với anh và leo xuống nhường tay lái cho anh. Anh quay đầu xe, ngồi phía trước cầm lái, nổ máy và cô bé đó nhanh nhẹn nhảy lên phía sau xe. Điều này, anh chưa bao giờ làm trước mặt chị. Họ lên xe, chạy thẳng về hướng cầu Sài gòn. Trước mặt chị tối sầm, chị tự hỏi, giờ chị phải làm sao? Có nên nói chuyện thẳng với anh? Chị bấm số điện thoại anh, anh bắt máy trả lời chị. Chị bảo chị muốn nói chuyện với anh? Anh bảo anh đang rất bận, sẽ gọi lại cho chị sau và cúp máy. Cơn giận lên đến đỉnh điểm khi anh lại ngắt ngang cuộc gọi, càng nghĩ chị càng giận run cả người, chị đã không đủ bình tĩnh để chờ thêm được nữa, chị quá nóng tính. Sau khi lau vội những giọt nước mắt, chị chạy thẳng đến căn hộ của anh. Vì anh thường đưa chị về căn hộ của mình vào cuối tuần để chị nấu cho anh những món ăn Việt, khi thì bún bò, lúc thì bún riêu, canh chua cá kho tộ... để anh làm quen với thức ăn Việt, với các loại mắm. Và anh đã mê mẫn các món ăn do chị nấu. Nên khi chị vào căn hộ anh mà không có anh đi cùng, mọi người quanh đó cũng chẳng ai thắc mắc. Việc đầu tiên là chị rà soát laptop của anh, vẫn không phát hiện ra được điều gì. Bực tức, giận hờn vẫn chưa được giải tỏa, chị đã xóa đi các dữ liệu trong laptop của anh. Tối đó về, anh gọi chị lại không bắt máy. Sáng hôm sau, anh bay đi Đà Nẵng sớm để kịp trình bày dự án ấp ủ lâu nay với các sếp bên Nhật qua dự. Khi mọi người đến đông đủ, chờ anh trình bày. Máy tính của anh chẳng còn số liệu nào để báo cáo. Anh biết chỉ có chị làm điều đó, vì anh chị có chung password nhưng anh cũng không hiểu tại sao chị lại làm như thế với anh? Anh chữa cháy bằng việc báo cáo thực tế, anh lấy hết kinh nghiệm lâu nay đã chuẩn bị nay ra trình bày nhưng không có hình ảnh và số liệu cụ thể cũng rất khó thuyết phục. Sau đợt đó, anh mất uy tín với cấp trên và anh bị chỉ định về lại Nhật và đưa người khác sang thay. Khi từ Đà nẵng về lại thành phố, anh đã đến gặp chị để mong chị giải thích lý do. Chị từ chối tiếp chuyện anh. Anh chỉ kịp thông báo ngắn gọn: Mai anh trở về Nhật, không biết bao lâu mới gặp lại chị. Sau 3 tuần kể từ ngày anh về nước, anh chị không liên lạc với nhau. Hôm đó chị diện đồ ra trung tâm thành phố đi mua sắm. Đang thơ thẩn chưa biết chọn gian hàng nào, ánh mắt chị lại bắt gặp ngay cô gái đó cũng đang tung tăng đi hướng ngược lại. Không bỏ lỡ cơ hội, chị muốn hỏi cho ra lẽ. Chị đến làm quen và mau chóng bắt chuyện. Trong câu chuyện giữa họ, chị tình cờ biết rằng chính cô gái này là cô giáo dạy tiếng Việt cho anh. Vì anh muốn trong thời gian sớm nhất anh phải nói được tiếng Việt và chạy được xe máy nên buộc phải học chỉ riêng mình anh, nên anh xin đến nhà cô bé học. Và hàng ngày cô bé đến đón anh, và cho anh mượn xe máy để anh tập lái. Hôm chị gọi cho anh, vì mới biết chạy xe nên anh không dám vừa chạy vừa nghe điện thoại. Nỗi ân hận lan tỏa khắp người chị, chị thấy mình quá nhẫn tâm đối với anh. Chị cố chạy nhanh về nhà, bước vào phòng khóa trái cửa và chị cố gắng liên lạc với anh nhưng chỉ nhận được những tiếng chuông khô khốc. Chị đã cố gắng tìm mọi cách liên lạc với anh nhưng vẫn vô vọng. Cuối cùng, đến sáng hôm sau đầu bên kia nhấc máy, giọng Mẹ anh trả lời nhỏ nhẹ rằng anh đã ra đi sau một tai nạn giao thông. Hôm đó anh uống quá nhiều và đã không làm chủ được tốc độ, xe của anh đâm vào vách núi. Chị gào thật to trong điện thoại, chị muốn xin lỗi đến anh, xin lỗi đến Mẹ anh, đến cả gia đình anh. Vì chính chị đã gây ra cho anh kết cục ngày hôm nay.

4/11/11

Canberra - Một lần tôi đến

Canberra - thủ đô của Úc, là thành phố duy nhất không nằm trên bờ biển. Canberra nằm trong đất liền cách bờ biển phía đông của nước Úc 150km, bao bọc xung quanh là bang New South Wales. Caberra có diện tích 4.067 km2 với dân số khoảng 312.000 người, thời tiết ở Canberra đôi khi khá lạnh, nhiệt độ trong ngày từ sáng sớm đến chiều tối chênh nhau khoảng 13-14 độ. Cái hay ở thủ đô này là tên các đường phố ở đây được đặt theo tên các thành phố, như đường Sydney, đường Melbourne, đường Adelaide, đường Brisbane, đường Phillip... nghe rất thân thiện, không khoảng cách. Thủ đô người ta không ồn ào, bon chen mà rất thanh bình, nhã nhặn. Thủ đô không màu mè, khách sáo mà rất xinh đẹp, hiền hòa. Thủ đô không thuộc loại cổ, truyền thống mà là một thủ đô năng động, tràn đầy sức sống. Người dân ở đấy thì hoạt bát, thân thiện và tự tin. Do thủ đô tập trung hầu hết các đại sứ quán của các quốc gia nên ở đây hình thành một cộng đồng đa văn hóa. Cuộc sống tương đối cao và an toàn.
Về giao thông, vì đây là thành phố trẻ nên được thiết kế theo kiến trúc hiện đại. Là một thành phố rất ít ngã tư với các cột đèn xanh đỏ mà chủ yếu là hệ thống cầu vượt ở khắp nơi. Hệ thống giao thông công cộng hoạt động tốt với các loại xe buýt, xe lửa với giá cả phải chăng. Về văn hóa, các lễ hội, các phiên chợ được tổ chức định kỳ hàng tuần, hàng tháng và có khi hàng năm như lễ hội hoa được gọi là Floriade nhưng cũng được tổ chức không quá tưng bừng, ồn ào mà rất nhẹ nhàng, chu đáo. Nói chung, vì không có nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về thủ đô nhưng cảm nhận đầu tiên về Canberra rất tuyệt vời. *** Ghi chú: - Tấm trên cùng bên góc trái: cả đoàn chụp trước Đại sứ quán Việt Nam tại Úc. Vị trí rất đẹp, nằm trên đỉnh 1 ngọn đồi (không biết nhà ta có xem phong thủy trước khi chọn hay không, mà quá đẹp!!!) - Tấm ở giữa: Đài tưởng niệm các chiến binh người Úc hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 18/8 hàng năm người ta kỷ niệm ngày thua trận ở Việt nam, được tổ chức duyệt binh rất long trọng. (Thường người ta thắng mới ăn mừng, thua lặng lẽ... người Úc thì vẫn tự hào về lịch sử của họ. Rất hay)